Vỗ béo trâu, tưởng khó mà dễ!

Vỗ béo trâu là phương thức nuôi con trâu đực gầy sau 24 tháng tuổi hay những con trâu loại thải trở nên béo tốt, nhiều thịt và đạt tiêu chuẩn bán. Thời gian nuôi vỗ béo thường kéo dài từ 4 – 6 tháng. Trâu là động vật nhai lại, chất thô là thành phần chính trong khẩu phần ăn của chúng.

Chọn loại trâu để vỗ béo

Chọn những con trâu, bò không sử dụng để cày kéo, vắt sữa, sinh sản; trâu bò gầy do thiếu dinh dưỡng và không mắc bệnh truyền nhiễm và trâu con (nghé) phải đủ điều kiện từ 2 tuổi trở lên, sẽ cho sản lượng và chất lượng thịt thơm ngon.

Ngoài ra, bà con cũng có thể tiến hành vỗ béo các con trâu già vì khả năng sinh sản và kéo cày kém để bán làm trâu thương phẩm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của loại trâu này khá thấp, cho lượng thịt ít và chất lượng thịt không thơm ngon bằng các loại trâu khác.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo

Có 2 mô hình nuôi trâu vỗ béo là chăn thả và bán chăn thả: chăn thả là hình thức thả trâu ngoài đồng cỏ từ 7 đến 9 tiếng để có thể tận dụng hết được các nguồn thức ăn thô có sẵn trong thiên nhiên, còn thức ăn tinh và khoáng sẽ nên bổ sung cho trâu vào ban đêm. Còn với bán chăn thả là hình thức được sử dụng rộng rãi với nhiều địa phương. nhiều hộ gia đình có diện tích nhỏ hẹp, phù hợp cho những nơi không có đồng cỏ rộng để chăn thả và không cung cấp đủ sổ lượng cỏ cho trâu ăn no mà phải bổ sung thức ăn tinh và khoáng khi trâu đã về chuồng.

 

Quy trình, kỹ thuật vỗ béo trâu

– Để nuôi trâu vỗ béo thành công cần phải thực hiện đúng kỹ thuật lựa chọn đối tượng trâu vỗ béo, độ tuổi vỗ béo, thức ăn vỗ béo, phòng trị bệnh và ký sinh trùng…Chuẩn bị vỗ béo: Những con trâu thuộc đối tượng nêu trên phải được phân theo nhóm tuổi, giống, giới tính, thể trạng và tầm vóc. Đối với trâu bị bệnh thông thường phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo. Trong giai đoạn vỗ béo: Định kỳ cân, đo khối lượng trâu. Kiểm tra lượng thức ăn trâu ăn hàng ngày. Cho trâu uống đủ nước sạch theo nhu cầu.

– Tẩy ký sinh trùng cho trâu: Tẩy ngoại ký sinh trùng như: Ve, ghẻ, rận và nội ký sinh trùng như giun sán đường ruột: Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt rộng như I-vơ-méc-tin tiêm cho trâu. Liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Điều trị sán lá gan bằng thuốc Fasiolid để tiêm hoặc thuốc Dertyl-B cho uống. Liều sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

– Dinh dưỡng cho trâu: Để trâu tăng trưởng nhanh, cho hiệu quả đầu ra cao cần cung cấp đầy đủ dưỡng chất cũng như các vitamin cần thiết cho trâu, thức ăn chủ trâu chủ yếu là thức ăn thô xanh, còn lại là bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn cung cấp giàu đạm và các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng cho trâu hàng ngày.

+ Thức ăn thô xanh: Chủ yếu là các loại như thân cây chuối, rau bèo, cỏ voi, thân cây ngô chín sáp, thân cây ngô đã thu hoạch, rơm,..là thức ăn thô chính chiếm tới 60 – 70% khẩu phần ăn của trâu, cung cấp 70 – 80% năng lượng cho trâu mỗi ngày

+ Thức ăn tinh: Chọn loại thức ăn giàu đạm, giàu năng lượng như ngũ cốc, các loại hạt, khô dầu, khô đậu, cám hỗn hợp để cho trâu ăn.

+ Thức ăn cung cấp năng lượng: Đây là nhóm thức ăn giúp trâu tăng trọng nhanh nhất, bao gồm các loại ngũ cốc, cám… Nhưng muốn trâu hấp thu được tối đa dưỡng chất có trong thức ăn, nên nghiền mịn nguyên liệu và đem trộn với các loại thức ăn khác rồi mới cho trâu ăn. Khâu sơ chế nguyên liệu làm thức ăn vô cùng quan trọng.

+ Thức ăn giàu đạm: Giống như các loại khô dầu: khô dầu lạc, khô dầu đậu tương, khô dầu dừa, hạt bông… Có thể trộn thêm ure tương đương 2 – 3% lượng thức ăn.

– Chuồng trại cho trâu: Đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, trâu đi lại tự do trong chuồng. Nuôi nhốt tại chuồng, cung cấp thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn cho kịp thời. Xác định khối lượng trâu trước và sau khi vỗ béo.

– Vệ sinh thú y: Tiêu độc khử trùng và vệ sinh chuồng trại, môi trường chăn nuôi trước, trong và sau khi vỗ béo. Phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho trâu, bò trong giai đoạn vỗ béo, đặc biệt các bệnh về đường tiêu hóa.

– Thời gian vỗ béo: Nuôi vỗ béo trong vòng từ 60 đến 90 ngày tùy thuộc vào thể trạng và khả năng hấp thu dinh dưỡng của trâu, dự kiến tăng trọng từ 800 – 1.200 gam/con/ngày đêm.

– Kết thúc vỗ béo: Đo hoặc cân khối lượng trâu để tính khả năng tăng trọng. Tính tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng. Tính hiệu quả kinh tế để có định hướng cho chăn nuôi kỳ sau.

Trâu sau khi được vỗ béo đủ điều kiện sẽ được xuất chuồng. Như vậy chỉ với những bước kỹ thuật đơn giản là bà con đã có đủ cho mình những kiến thức cơ bản để vỗ béo trâu một cách hiệu quả giúp thúc đẩy nhanh chóng sự tăng trưởng của trâu, cũng như giúp đầu ra được thuận lợi và cho hiệu quả cao.