Con heo tuy to xác, nhìn bề ngoài trông mập mạp, nhưng lại vướng nhiều thứ bệnh tật hơn các giống vật khác.
Có con buổi sáng còn khỏe mạnh, lanh lợi, nhưng đến trưa đã chê cám, cả mình nóng ran nằm mệp một chỗ. Có nơi cả chuồng heo mấy chục con đang khỏe mạnh, sắp hốt tiền triệu đến nơi, tự nhiên giờ trước giờ sau đa lăn đùng ra. Thế là bao nhiêu vốn liếng đội nón ra đi!
Cái cảnh heo đang khỏe mạnh rồi tự nhiên ngã bệnh thình lình là chuyện thường thấy, thường gặp mọi lúc, mọi nơi.
Thật ra heo bị bệnh, phần lỗi đa phần ở người nuôi:
- Thứ nhất là do chuồng trại thiết kế không đúng kỹ thuật, hoặc không lo giữ gìn vệ sinh chu đáo, như vậy chẳng khác nào rước bệnh vào nhà. Công tác vệ sinh là cơ sở, là nền tảng của biện pháp phòng bệnh trong chăn nuôi. Khi môi trường sống bất lợi cho gia súc như chăm sóc nuôi dưỡng không tốt, dinh dưỡng kém, chuồng trại thiết kế không đúng quy chuẩn, chuồng trại không vệ sinh,… sẽ làm vật nuôi giảm sức đề kháng (miễn dịch) và dễ bị các tác nhân vi trùng, virus và ký sinh trùng xâm nhập tạo ra dịch bệnh. Để phòng bệnh ngoài biện pháp tạo môi trường sống tốt, giảm các yếu tố gây bất lợi cho thú nuôi, nâng cao được sức chống chịu và sự miễn dịch của thú nuôi, nhà chăn nuôi cũng cần phải giảm thiểu sự tiếp xúc các tác nhân gây bệnh đối với vật nuôi từ đó sẽ hạn chế được khả năng lan truyền của dịch bệnh.
- Thứ hai, nuôi heo mà cho ăn uống kham khổ thiếu chất bổ dưỡng, các thành phần căn bản trong khẩu phần ăn thiếu hụt lâu ngày khiến heo sinh trưởng kém, phát triển chậm, không đủ sức đề kháng trước mọi bệnh tật đến với nó.
- Thứ ba, không lo chích ngừa cho heo đúng định kỳ những bệnh truyền nhiễm như bệnh dịch tả, bệnh tụ huyết trùng.
- Thứ tư, khi phát giác trong chuồng có heo bị bệnh (như bệnh lở mồm long móng chẳng hạn) không lo cảnh giác cách ly heo bệnh ra khỏi đàn heo để chữa trị kịp thời, đến khi bệnh lây lan sang cả bầy thì làm sao trở tay. cho kịp.
- Thứ năm, chăm sóc heo mà lúc nào cũng nổi hứng ” thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” rượt đuổi, đánh đạp không thương tiếc, bảo sao heo không sái chân, lọi giò, sẩy thai.
Đấy, làm tốt được những việc vừa nêu là cách phòng ngừa bệnh cho heo một cách hoàn hảo. Đó là việc chắc chăn ai cũng biết, nhưng thực hiện tốt thì không phải ai cũng làm được.
Cổ nhân đã dạy: “Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”. Chờ đến khi gặp bệnh mới lo chữa thì vừa tốn công vừa tốn công sức, mà kết quả chưa chắc đã đúng ý mong mỏi của mình. May một điều là thuốc đã dành cho loài vật nói chung và heo nói riêng thường rẻ hơn thuốc dành cho người.