Trong kí ức của mỗi người chắc hẳn sẽ không thể nào quên hình ảnh của những chiếc bỏng ống gạo giòn tan, thơm lừng – một thức quà của làng quê vô cùng mộc mạc và giản dị. Bỏng ống, bỏng sâu, bỏng ngô, gạo… là những cụm từ vô cùng quen thuộc với không chỉ trẻ em mà còn với đại đa số người dân Việt. Lũ trẻ lớn lên ở quê ngày ấy làm gì đã biết đến bim bim, chip chip và bao thứ đồ ăn vặt khác như bây giờ. Một mòn quà vặt hấp dẫn thơm ngon mà lại không độc hại, nói như các cụ ta thì là “lành”. Không chỉ ngày xưa mà cho đến nay món ăn này vẫn được ưa chuộng bởi nguyên liệu sẵn có mà cách làm thì đơn giản.
Khái quát
Bỏng ống có dạng ống tròn, bên trong rỗng ruột nhìn tương tự như cái ống dẫn nước. Bánh thường được cắt thành từng khúc đều nhau, dài hay ngắn tùy theo sở thích của người làm lẫn người mua bánh.
Nguyên liệu để nổ bỏng ngày xưa thì rất đơn giản chỉ cần ngô, gạo thêm một chút đường là xong nhưng đến ngày nay người ta có thể cho thêm nhiều loại nguyên liệu khác để khiến món ăn trở nên hấp dẫn và thơm ngon hơn như: bánh quy, lạc, đỗ, mì tôm, dừa khô…
Cách tạo ra bỏng ống gạo
Trước kia, thường sẽ nổ bỏng sau những mùa gặt, vì lúc đó lúa gạo đang còn “xông xênh”, có khi đi cả làng hoặc phải đạp xe sang tận làng khác mới có nhà nổ bỏng. Ngày đó chiếc máy nổ bỏng giống như một cỗ máy thần kỳ. Bỏng ống vẫn là món ăn được nhiều người yêu thích cho đến tận bây giờ. Ngày nay máy móc phát triển, các cơ sở kinh doanh cũng nhiều, hơn thế nữa ngay ở vỉa hè của những thành phố lớn chúng ta cũng có thể bắt gặp những hàng nổ bỏng ngồi ngay tại đó để giúp bà con thưởng thức những chiếc bỏng nóng hổi ngay bên lề đường. Điều đó làm cho người đi đường hoặc ngay cả du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú.
Mỗi túi bỏng ống có giá khá rẻ chỉ với giá khoảng 10 nghìn đến 20 nghìn đồng nhưng nó mang trong mình hương vị đặc trưng khó quên, mà dù có đi dâu người ta cũng mong được tìm về đó là hương vị tuổi thơ.
Để làm được bỏng gạo cần phải dùng đến máy nổ bỏng. Cách làm bỏng ống gạo thì khá đơn giản, chỉ cần trộn đều các nguyên liệu với nhau (nếu nguyên liệu nào quá cứng hoặc quá to thì cần sơ chế qua) sau đó đổ từ từ nguyên liệu vào máng nạp nguyện liệu, ở đây có chốt đóng mở giúp nguyên liệu di chuyển từ từ xuống buồng làm viêc. Sau đó, thành phẩm sẽ được đùn ra từ từ ở cửa xả, với những hình dáng khác nhau tùy theo nhu cầu của người dùng.