Chuồng trại nuôi heo (lợn)

Ảnh chuồng lợn

Chuồng trại nuôi heo thường được làm theo nhiều cách khác nhau, có thể chuồng được xây kiên cố vững chắc hoặc làm bằng tre lá hay nuôi thả rông trong vườn. Tuy nhiên để nuôi heo đạt năng suất cao nhất, chuồng trại nuôi heo phải đảm bảo về mùa đông ấm, mùa hè mát, cao ráo sạch sẽ. Có ô tập cho heo con ăn, có lót ổ bằng rơm, cỏ khô, có đèn sưởi ấm 10 ngày đầu cho heo con mới sinh.

con lợn

Để năng suất chăn nuôi heo đạt hiệu quả cao, bà con chăn nuôi nên thực hiện thép các nguyên tắc sau:

 Quy định chung về kỹ thuật thiết kế chuồng nuôi lợn

Vị trí

Xây chuồng chọn hướng Đông Nam hoặc hướng Nam là tốt nhất, tránh gió Đông Bắc thổi trực tiếp vào chuồng. Chuồng nuôi phải đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông.

Cần chọn địa điểm nơi cao ráo, dễ thoát nước, dễ làm vệ sinh.

Chuồng nuôi lợn phải ngăn cách với bên ngoài, kiểm soát được người và động vật ra vào. Không nên xây chuồng lợn chung với chuồng nuôi gia súc, gia cầm khác để tránh lây nhiễm bệnh.

chuồng heo

Nếu chuồng lợn ở gần nhà, nên ở cuối hướng gió, phải đảm bảo vệ sinh nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và môi trường xung quanh.

Nền chuồng

Cao hơn mặt đất khoảng 30 – 45 cm để tránh ẩm ướt, ngập úng.

Đầm nén kỹ. Lát bằng gạch già phẳng mặt hoặc láng xi măng cát tạo độ nhám để tránh trơn trượt cho lợn.

Đảm bảo phẳng, không đọng nước.

Nền phải có độ dốc 2 – 3% về hướng thoát nước thải.

Nếu nuôi trên sàn (nhựa hoặc bê tông), sàn đảm bảo chắc chắn, dễ vệ sinh.

Vách và cửa chuồng

cửa chuồng heo

Nên làm vách ngăn các ô chuồng bằng song sắt để tạo môi trường thông thoát, hạn chế xây vách bằng gạch để giảm nóng, nếu xây vách ngăn bằng gạch thì nên chừa các khe hở như hông gió. Chiều cao của vách thương từ 0.8 – 1 mét là phù hợp.

Cửa chuồng heo cần rộng và thiết kế sao cho thuận tiện trong việc đóng mở lúc ra vào chăm sóc và di chuyển heo khi cần thiết. Chất liệu làm cửa phải vững chắc vì heo có thói quen cắn phá phần cửa, tốt nhất là làm cửa song sắt.

Kích thước ngăn chuồng

Nhằm thuận tiện chăm sóc, thông thường độ sâu thích hợp của ngăn chuồng (tính từ vách phía ngoài cửa đến vách trong đối điện) từ 2.5 – 4 mét tùy điều kiện xây dựng. Nhu cầu về diện tích ngăn chuồng cho heo các lứa tuổi như sau: heo nái hậu bị cần 2 – 3m2/con; heo nái đang mang thai cần 6m2/con; heo nái nuôi con cần 8 – 10m2/con (đã tính cả diện tích chuồng úm dành cho heo con khoảng 1 – 1.5m2/bầy). Nếu không xây chuồng úm cố định cho heo con thì bà con có thể dùng thùng cây, giỏ tre lót rơm hay lá chuối khô đặt bên trong chuồng.

Tùy vào khả năng xây dựng và quy mô nuôi để bà con thiết kế, xây dựng trại với các ngăn chuồng theo kiểu trại 1 dãy, 1 hành lang chăm sóc và 1 hệ thống thoát nước, chất thải ở phía sau hoặc kiểu trại 2 dãy, 1 hành lang chăm sóc giữa 2 dãy và 2 hệ thống thoát nước dọc theo hai bên trại.

Ảnh chuồng lợn
Kiểu chuồng thông thoáng tự nhiên

Mái chuồng

Ở nông thôn, bà con thường dùng mái lợp lá hoặc tranh là thích hợp nhất vì chi phí thấp và tạo được môi trường thoáng mát cho heo. Thông thường mái chuồng cao khoảng 3m, nếu lợp tôn kẽm, tôn nhựa tổng hợp, mái bờ lô thì nên tăng độ cao giảm bớt sức nóng cho chuồng. Ngoài ra, trong các tháng mùa khô, bà con chăn nuôi nên có biện pháp giảm nóng cho chuồng như phun nước lên mái, lắp hệ thống ống nước phun sương, quạt thông gió trong chuồng nuôi,….

Máng ăn, máng uống cho lợn

Máng ăn, máng uống có thể làm bằng inox, tôn, xi măng đúc rời, hoặc xây cố định vào tường và nền.

máng ăn cho lợn

Những gia đình có điều kiện nên lắp thêm vòi uống tự động/bán tự động.

Số lượng máng ăn, máng uống phải phù hợp với số lợn nuôi trong chuồng.

Máng uống nên đặt gần vị trí thải phân vì lợn có tập quán tìm nơi sàn ướt để thải phân.

Máng ăn cho lợn bằng inox.